SAITAMA - Sự phát triển của một người hùng

Cách đây không lâu, trong một group nào đó của cộng đồng vozer trên Facebook, có một bài viết cho rằng One Punch Man có nội dung nhàm chán bởi nhân vật chính quá mạnh, không có sự phát triển gì thêm. Bên dưới phần bình luận của bài viết đó, rất nhiều bạn thanh minh rằng One Punch Man là một tác phẩm hề hước, châm biếm các bộ manga/anime khác. Bởi vậy nội dung có sự ngược đời, nhân vật chính Saitama chủ yếu là để làm nền cho các nhân vật phụ và phản diện thể hiện, còn bản thân anh ta đã được xây dựng hoàn chỉnh và không cần phát triển gì thêm. Ở vế thứ nhất, tôi không có ý kiến gì, nhưng với vế thứ hai, là một fan cứng của Saitama, tôi hoàn toàn không đồng ý. Nhân vật chính là linh hồn của một câu chuyện. Chẳng đời nào một câu chuyện độc đáo và đa chiều như One Punch Man lại có một nhân vật chính nhàm chán và dễ đoán như vậy cả. Và thực tế là Saitama vẫn luôn thay đổi, luôn phát triển theo chiều hướng tốt lên. Chẳng qua vì sự thay đổi đó chậm rãi và dè chừng như chính cái cách chúng ta đang thay đổi để thích nghi với cuộc sống thường ngày, nên nhiều người mới không nhận ra thôi. Vậy hãy cùng tôi đi tìm kiếm những thay đổi đó. 
Lưu ý, bài viết này tôi chi nói về sự phát triển nhân vật của Saitama, còn về giới thiệu, phân tích cũng như cảm nhận chung về nhân vật này thì tôi đã có một bài trước đó. Mời các bạn tìm đọc.

   
Đầu tiên là về sức mạnh. Trước giờ chúng ta vẫn mặc định anh trọc đã đạt đến sức mạnh vô cực, nghĩa là không còn gì có thể lớn hơn được nữa. Nhưng đến trận chiến với Garou Cosmic ngoài không gian (mặc dù tôi không thích đoạt biến tấu này ở bản manga chút nào) thì một bất ngờ xảy đến. Ở trạng thái Cosmic, Garou đã sao chép được hoàn toàn sức mạnh của Saitama đang có, tuy nhiên như thế vẫn không thể nào làm tổn thương được anh trọc. Chênh lệch thực lực giữa hai bên vẫn không thể nào đong đếm. Đến đây, Garou và cả chúng ta mới nhận ra rằng sức mạnh của Saitama luôn không ngừng gia tăng, với tốc độ vượt xa hơn bất cứ kẻ nào mà anh ta đối đầu. 
Tiếp đến là về thế giới quan của Saitama. Ban đầu anh trọc sống khá là bất cần đời. Không nghĩ ngợi gì nhiều, không quan tâm thiên hạ ra sao,... chỉ cần bản thân thấy ổn. Cái này nhất thời tốt cho anh ta, bởi nghĩ nhiều làm chi cho mệt óc, nhưng nếu sống mãi như vậy thì chắc chắn ít nhiều sẽ có chuyện và kỳ thực là đã có. Trong arc người khổng lồ tấn công ở tập đầu, nếu nhìn theo hướng chủ quan thì Saitama đã tiêu diệt kẻ xấu, không để hắn phá hoại thêm. Nhưng dưới góc nhìn thực tế, đã có hai thành phố bị xóa sổ hoàn toàn. Tuy không được đề cập chi tiết nhưng chắc chắn đã có vô vàn người dân bị lên bảng đếm số. Lỗi một phần do Saitama đến muộn, một phần do cú dứt điểm của anh ta khá vô trách nhiệm khiến tên khổng lồ ngã xuống gây thêm thiệt hại. Tất nhiên anh trọc không phải chịu gì cả nhưng hậu quả là không thể chối cãi. Và đến arc thiên thạch thì anh trọc không còn đứng ngoài cuộc được nữa. Lần này dù hậu quả nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không có thiệt hại về người nào nhưng Saitama đã lĩnh đủ. Vẫn là một cú đấm mà không nghĩ gì nhiều. Nhưng như thế là quá ít. Uy lực từ cú đấm chỉ đủ phá vỡ mảnh thiên thạch, còn các mảnh vỡ bị văng ra đã rơi xuống phá hủy nhiều tài sản trong thành phố. Chỉ vì một hành động không đủ nghiêm túc, mọi nỗ lực cứu thành phố của Saitama qua miệng lưỡi của những kẻ ghen ăn tức ở đã biến thành hành động phá hoại thành phố. Sự vô tri và hiệu ứng đám đông của người dân đã dồn Saitama vào chân tường. Anh ta tức giận, ấm ức, anh ta gào lên đôi co với người ta cho bằng được. Rốt cuộc một cái mồm chẳng thể thắng được cả đống cái mồm thiên hạ nhưng đó cũng là bài học cho anh ta. Để rồi sau đó, khi đối đầu với rết cụ, anh ta đã biết đường dụ con quái ra nơi vắng vẻ, tung một đòn dứt điểm nhanh gọn, không để ảnh hưởng đến dân thường. Mà chắc gì đã do anh ta, có lẽ ngài King mới là người nghĩ ra ý tưởng đó. Thôi kệ, coi như anh ta đã biết nghĩ cho người khác và cũng là nghĩ cho chính bản thân mình.
Ở dòng thời gian đã mất, khi Genos bị Garou hành quyết, Saitama đã vô cùng ân hận. Anh ta nhớ lại những gì Genos đã hỏi, rằng vì sao thầy luôn xuất hiện kịp thời. Không, Saitama luôn đến muộn và anh ta biết điều đó nhưng đã phớt lờ nó. Để đến khi hậu quả đi quá xa thì anh ta mới thừa nhận. Dù cho đoạn này hơi bị bi kịch hóa, khiến cho anh ta hơi khác Saitama mà chúng ta vẫn biết. Nhưng nó đã cho thấy Saitama đã dám thừa nhận những khiếm khuyết của mình, điều mà trước đây anh ta thà cãi nhau đến chết chứ không chịu.
Cuối cùng về sự phát triển cảm xúc của Saitama. Mở đầu truyện anh ta nói là do mình quá mạnh, không còn đối thủ xứng tầm, không còn gì để phấn đấu hơn dẫn đến mất hết cảm xúc. Nhưng nếu ta theo dõi hành trình của Saitama và những gì anh ta bộc lộ, có thể thấy đâu đó cảm giác chênh vênh của một thanh niên tuổi 25, đã dành 3 năm cuộc đời để toàn tâm toàn lực theo đuổi một giấc mơ mơ hồ, để rồi khi chạm tới được thì nhận ra nó không đẹp như mình hằng mong ước. Trở về với thực tại, sống một mình giữa nơi vắng vẻ, không ai trò chuyện, không người chia sẻ, không một ai biết đến sự tồn tại của bản thân. Xem lại anime tập 1, ta thấy Saitama đơn độc trên con đường về nhà lúc chập tối, ngay cả con mèo hoang cũng xa lánh anh ta. Cho dù tự bản thân Saitama không nhận thấy nhưng chắc chắn anh ta đang cô đơn cùng cực (một mình nhưng không chill chút nào). Sự cô đơn dường như đã khiến cho Saitama trở nên gắt gỏng hơn mỗi khi có người định tiếp cận mình. Nhưng bước ngoặt đã xảy đến khi Saitama gặp Genos và cho cậu ta "thuê nhà". Lần lượt từng người kéo đến, mặc dù luôn tỏ vẻ khó chịu nhưng ít nhất Saitama đã không còn cô đơn, sự tồn tại của anh ta đã có người công nhận. Để rồi tới bước ngoặt tiếp theo khi Saitama lần đầu mở lòng với người khác, với King. Một người luôn kiệm lời, chỉ thích tóm tắt mọi sự lớn nhỏ trong vòng 20 chữ như anh trọc nhưng lại dành cả chục trang truyện đặc chữ để tâm sự với King. Anh ta nói rằng mình chẳng còn hứng thú với bất cứ chuyện gì nữa, chẳng còn thiết gì nữa. Nhưng chỉ qua vài lời khích tướng của King, anh ta đã đã bộc lộ hết máu ăn thua cùng rất nhiều hỉ nộ ái ố vẫn còn sôi sục trong người. Vậy là Saitama chẳng mất miếng cảm xúc nào cả. Thứ anh ta thực sự mất là mối liên kết với đồng loại và phương hướng cho cuộc đời. Cuộc sống quá cô đơn và mất phương hướng đã giam cầm những cảm xúc của Saitama lại mà thôi.
   
Nói về Saitama, chúng không thể không nhắc đến King, đây là một nhân vật hết sức đặc biệt. Tuy là kẻ đã chiếm giữ mọi vinh quang của Saitama nhưng lại được anh trọc cũng như tất cả chúng ta tôn trọng. Tạo hình ngầu lòi, nét mặt cương trực, đầy uy tín, cơ thể cao lớn, cường tráng, tạo hóa dường như đã ưu ái cho King. Ông ta cũng luôn gặp may hết lần này đến lần khác, kể cả trong những tình huống nguy nan nhất. Ông ta là kẻ yếu nhớt, ăn hại nhất bộ truyện, ông ta sống một cuộc đời cực kì tầm thường, hèn kém và nhàm chán hơn Saitama rất rất nhiều. Dù vinh quang cũng đi kèm với bao nguy hiểm, dù chẳng biết sẽ ăn may cũng như "phông bạt" được đến bao giờ thế nhưng King vẫn mặc kệ. Ông ta luôn tự tìm thấy niềm vui riêng và ung dung tận hưởng nó. King giống như một hình ảnh tương phản với Saitama, từ hình thức đến nội dung. Và có lẽ vì thế, King là người giúp Saitama soi chiếu lại bản thân, giúp anh trọc lấp đầy những khiếm khuyết và thúc đẩy anh ta ngày một cải thiện mình.
Kết lại thì One Punch Man không phải một câu chuyện đánh đấm hay tấu hài thuần túy. Nhân vật của One Punch Man cũng không phát triển thông qua bài giảng đạo lý hay những màn hồi tưởng lâm li. Mọi sự phát triển đều nhờ có trải nghiệm thực tế và cần nhiều thời gian để thấm nhuần. Chính vì vậy, nếu bạn cảm thấy One Punch Man nhạt nhẽo, có thể là do bạn chưa đủ trải để thấy nó mặn mà.
Trên đây là tất cả những gì tôi nhận thấy về sự phát triển nhân vật của Saitama. Các đồng bạn có gì đồng tình, phản đối hay bổ sung gì thì hãy đóng góp nha! Để hình tượng anh trọc của chúng ta ngày càng đẹp hơn trong mắt cộng đồng.
Cám ơn vì đã đọc!
Ngoài lề một chút. Thực sự tôi rất khâm phục cách ONE vẽ nên các nhân vật của mình. Không hào nhoáng bên ngoài, không văn vở, không đạo lý suông. Mọi nhân vật đều từ từ đi lên bằng những trải nghiệm sống, và đi lên cả về thể chất lẫn nhận thức và cảm xúc. Nếu ai đã đọc một tác phẩm khác của ONE là Mob Psycho 100 có thể thêm một lần kiểm chứng điều này. Quá trình để một cậu nhóc yếu ớt, rụt rè, thụ động, sống khép kín chuyển mình để trở thành một chàng trai mạnh mẽ, độc lập, hòa đồng thật gian nan biết nhường nào.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

[Giới thiệu manga dịch] Versus (Đối đầu)

Saitama - Khi kẻ tầm thường trở nên phi thường

[Giới thiệu manga dịch] Rohan au Louvre (Rohan ở bảo tàng Louvre)

Tổng số lượt xem trang

2180